Thẻ tín dụng là công cụ chi tiêu trước trả tiền sau, rất nhiều người được nhận được lợi ích từ tính năng này nhất là trong trường hợp không có tiền trong người. Hơn nữa, chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ thường xuyên nhận được các ưu đãi giảm giá , do đó giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều. Các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sẽ chỉ cho bạn “vay” trong một thời gian nhất định không tính lãi, nếu sau đó bạn chưa trả nợ thì tất nhiên là bạn sẽ phải chịu lãi suất cho khoản vay tín chấp đó. Vậy hiện nay các ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng như thế nào? Trong bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Một số thuật ngữ về lãi suất thẻ tín dụng
Khi sử dụng thẻ tín dụng chắc bạn không còn lạ lẫm gì với những từ như ” chu kỳ thanh toán”, “thời gian ân hạn” khi nói về việc trả nợ và tính lãi suất thẻ tín dụng, vậy thực chất nó là gì?
Chu kỳ thanh toán: đây chính là khoảng thời gian 30 ngày mà ngân hàng sẽ chốt giao dịch của bạn. Thường thì họ sẽ áp dụng từ ngày 1 đến 30 mỗi tháng cho dễ tính.
Thời gian ân hạn: Chính là thời hạn mà bạn phải trả nợ. Thường thì ngân hàng sẽ cho dư ra 1 vài ngày sau cái ngày cuối của chu kỳ thanh toán để bạn gom tiền và sắp xếp đóng tiền nợ thẻ tín dụng.
Ở nước ta hiện nay đa số các ngân hàng thường miễn lãi khoảng 45 – đến 60 ngày, tùy từng ngân hàng. VÍ dụ như thẻ tín dụng Vietcombank miễn lãi 45 ngày. Điều này có nghĩa là ngoài 30 ngày trong chu kỳ thanh toán ra, bạn có 15 hoặc 30 ngày nữa để trả nợ.
Và 45 ngày hoặc 60 ngày đó được gọi là thời gian miễn lãi. Điều này có nghĩa là nếu bạn trả đầy đủ số tiền nợ thì bạn không bị tính lãi, còn nếu như bạn không trả đầy đủ thì sẽ bị tính lãi và bắt đầu là từ ngày bạn thực hiện giao dịch có tính lãi.
Ví dụ: bạn mua hàng và thanh toán bằng thẻ tín dụng vào ngày 1/1 thì ngân hàng sẽ gửi hóa đơn thanh toán thẻ tín dụng cho bạn vào ngày 31/1 và trong đó sẽ báo cho bạn biết rằng ngày 14/2 (tháng 1 có 31 ngày + với 14 ngày đầu tháng 2 là 45 ngày) là hạn chót bạn phải trả tiền. Trong trường hợp bạn mua hàng vào ngày 30/1 thì bạn chỉ còn khoảng 15 ngày để trả nợ.
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng như thế nào?
Khi ngân hàng mở thẻ tín dụng cho bạn đồng nghĩa với việc là đã chấp thuận cho bạn vay tín chấp, do đó việc bạn vay là sẽ phải trả. Nhưng chúng ta đều biết là ngân hàng sẽ miễn lãi suất cho khoản vay tín dụng trong một thời gian nhất định và sau đó tính lãi. Vậy hiện nay ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng như thế nào?
Trong hóa đơn thanh toán thẻ tín dụng mà ngân hàng gửi cho bạn vào ngày cuối của chu kỳ thanh toán, bạn sẽ thấy số tiền tối thiểu phải trả. Tùy theo mỗi ngân hàng mà số tiền này sẽ khác nhau, nhưng đa số ngân hàng áp dụng là 5% trên dư nợ cuối kỳ hoặc ít nhất 50,000 VND.
Trường hợp nếu bạn không trả được đầy đủ tiền nợ, thì phải trả thêm ít nhất là khoản tối thiểu này. Nếu bạn không trả đủ khoản tối thiểu, thì bạn sẽ bị phạt vì chậm trả nợ.
Nếu bạn không trả đủ số tiền nợ, nhưng đạt được mức tối thiểu (hoặc trên tối thiểu), thì số tiền lãi sẽ được tính như thế nào? Tiền lãi sẽ được tính dựa trên các tiêu chí sau:
– Các giao dịch chịu tính lãi (interest rate) trong billing cycle: hoạt động mua sắm, giao dịch trên mạng, …..Các giao dịch như rút tiền (cash advance) ở máy ATM thì đã bị tính lãi ngay lúc bạn rút rồi.
– Số dư nợ trung bình hằng ngày (daily average balance) trong chu kỳ thanh toán: số này được tính bằng cách lấy mỗi số dư cuối ngày trong tháng cộng lại rồi chia trung bình cho số ngày trong tháng.
– Lãi suất mỗi ngày (daily interest rate): thường thì ngân hàng sẽ cung cấp thông tin lãi suất thẻ tín dụng trên năm (APR = Annual Percentage Rate). Bạn sẽ phải quy đổi ra lãi suất hằng ngày (APR / 365).
Cách tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng
Để tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng bạn nên thực hiện những điều dưới đây để không phải tốn tiền. Vậy cách không bị tính lãi thẻ tín dụng là gì?
– Cần thanh toán ngay khoản tiền vừa giao dịch càng sớm càng tốt. Nếu không thanh toán được đầy đủ thì thanh toán bao nhiêu hay bấy nhiêu, càng sớm càng tốt. Vì như các bạn thấy trong phương pháp tính lãi suất theo dư nợ trung bình ngày (daily average balance), ngày nào tiền nhiều thì lãi nhiều, ngày nào tiền ít thì lãi ít, và không có tiền thì không có lãi.
– Nếu như bạn đoán trước không thể trả hết số tiền nợ trong tháng này vào hạn chót trả nợ của tháng sau thì bạn không nên mua sắm tiếp trong những ngày của tháng sau, bởi vì những giao dịch đó sẽ bị tính lãi do bạn chưa (hoặc có khả năng) không trả hết tiền nợ và như vậy, bạn bị mất quyền lợi miễn lãi (45 ngày).
Thông thường, nếu bạn nợ trả không hết, thì phải mất ít nhất 2 tháng để lấy lại quyền miễn lãi ( Ví dụ từ tháng 1 nợ thì tháng 2 vẫn nợ, đến tháng 3 nếu trả hết mới miễn lãi). Do đó bạn hãy cố gắng chi tiêu hợp lý và thanh toán đúng hạn để đảm bảo quyền lợi cũng như nhận được nhiều ưu đãi từ thẻ tín dụng.
Theo Fica.vn