Ưu điểm: Thiết kế thanh lịch, mượt mà, chuyển chế độ sử dụng dễ dàng, thời lượng pin hơn mức trung bình.
Nhược điểm: Hiệu suất chỉ ở mức trung bình, màn hình tối, bàn phím hơi nông và không được cứng cáp.
Thiết kế
Đây là một trong số ít những chiếc laptop mà khi nhìn bạn sẽ không tin là laptop tầm trung. Chiếc Flex 3 11 inch thực sự đã làm mờ ranh giới giữa dòng laptop lai đầy thanh lịch Yoga và thiết kế kiểu cách, rườm rà hơn của dòng Flex. Với các góc được bo tròn, bề mặt nhựa nhám vừa thanh lịch mà không hề tạo cảm giác rẻ tiền.
Bề mặt được đánh bóng ở bên trong máy và touchpad được viền crom làm tăng thêm tính mỹ thuật của nội thất bên trong máy. Tuy nhiên, bề mặt bên trong máy dễ dính dầu từ mồ hôi tay, vì vậy bạn nên có một chiếc khăn vải để làm vệ sinh máy thường xuyên.
Trên máy có các cổng kết nối gồm một cổng USB 2.0, một cổng USB 3.0, một cổng HDMI, một cổng Ethernet và nút nguồn ở cạnh bên phải. Ở cạnh bên phải có thêm một cổng USB 2.0, một khe đọc thẻ SD, một jack tai nghe kiêm mic, một khe khóa Kensington và jack cắm sạc chữ nhật của riêng Lenovo.
Với kích thước là 11.8 x 8.2 x 0.86 inch và khối lượng là 1.3kg, chiếc Flex 3 11 inch khá nặng so với các laptop lai khác trên thị trường.
Bàn phím và touchpad
Những thứ mà Lenovo cắt giảm để chiếc laptop này có mức giá rẻ sẽ lộ rõ ra khi bạn sử dụng đến bàn phím của chiếc Flex 3 11 inch. Tuy thiết kế chiclet và các phím khá giống với bàn phím của các dòng máy cao cấp, khi bạn thực sự gõ phím thì bạn sẽ thấy khá thất vọng vì độ sâu của phím chỉ là 1mm và lực nhấn 50 gram làm bạn thấy không được thoải mái, đặc biệt là đối với những người hay đánh máy “mạnh tay”. Ví dụ điển hình là kết quả của bài kiểm tra tốc độ đánh máy mười ngón chỉ là 50 từ một phút thay vì tốc độ trung bình là 60 từ.
Touchpad Elan kích thước 3.5 x 2.3 inch có khả năng làm việc tốt hơn. Các thao tác di chuyển chuột thông thường khá mượt và nhanh khi sử dụng trên các website và khi làm việc với văn bản. Các cử chỉ như zoom và lướt 3 ngón được thực hiện nhanh và nhạy.
Tính năng đa chế độ
Chiếc Lenovo Flex 3 11 inch có bốn chế độ sử dụng: Laptop, Máy tính bảng, Mái lều và Đứng. Lật bàn phím lại 360 độ để đáy máy dựa vào nắp máy và bạn có thể sử dụng chiếc Flex 3 như một chiếc máy tính bảng. Để chuyển sang chế độ Mái lều, gập màn hình và bàn phím ngược lại như một cuốn sách mở đang để úp vậy. Đặt úp bàn phím xuống và đặt dựng màn hình lên để chuyển sang chế độ Đứng, đây là chế độ hoàn hảo để xem phim hay để trình bày bài thuyết trình.
Lenovo vẫn giữ được tiêu chuẩn vàng của dòng laptop lai, nhờ vào bàn lề cứng cáp tạo cảm giác như không hề có mối nối giữa màn hình và bàn phím khi chuyển qua các chế độ dùng khác nhau. Nhưng điểm nổi bật là phần mềm Harmony, có chức năng mở các ứng dụng được tối ưu hóa cho chế độ mà bạn đang dùng. Phần mềm này cũng cho bạn thấy thời gian mà bạn dùng chiếc Flex với các chế độ khác nhau và so sánh với những người dùng khác cũng sở hữu chiếc Flex 3.
Màn hình và âm thanh
Ngoài bàn phím, màn hình chính là nhược điểm thứ hai của chiếc Flex 3 11 inch. Độ sáng của màn hình khá tệ, và khả năng hiển thị màu sắc cũng không được hiệu quả. Kích thước của màn hình là 11.6 inch với độ phân giải 1,366 x768 pixel, khá phổ biến trong các dòng laptop giá rẻ.
Trong bài kiểm tra khả năng hiển thị các gam màu khác nhau, chiếc Flex 3 11 inch đạt điểm thấp nhất trong số sáu chiếc laptop 2 trong 1 được thử, với khả năng hiển thị chỉ đạt 58.2% số màu trong các gam màu khác nhau. Con số này thấp hơn so với mức trung bình của dòng laptop tầm trung là 60%.
Độ sáng của màn hình chiếc Flex 3 11 inch có độ sáng là 227 nit, cũng dưới mức trung bình là 234 nit.
Loa ngoài của chiếc Flex 3 11 inch được đặt ở đáy của máy, và hiệu suất của loa cũng không được cao. Ngay cả khi được hỗ trợ bởi phần mềm Dolby Digital Plus, chiếc laptop vẫn không có được âm lượng hay chất âm tốt.
Hiệu suất
Trong các bài thử benchmark, chiếc Flex 3 11 inch liên tục rớt xuống vị trí cuối bảng khi so với năm chiếc laptop 2 trong 1 khác cũng được thử đồng thời. Tuy nhiên, CPU Intel Celeron N2840 2.16GHz và RAM 4GB của chiếc Flex 3 11 inch hoạt động khá tốt khi sử dụng thông thường. Chiếc Flex 3 11 inch có thể hoạt động khá mượt ngay cả khi đang stream phim từ Netflix cùng lúc với quét hệ thống và 7 tab Google Chrome đang được mở.
Tuy nhiên, chiếc Flex 3 11 inch không tỏa sáng được trong bài kiểm tra áp lực làm việc đa nhiệm, vì chiếc laptop này mất 51.7 giây để mở một file Word cỡ lớn chứa đầy hình ảnh. Thời gian này là dưới mức trung bình của các laptop 2 trong 1 giá rẻ là 44.2 giây.
Không chỉ có hiệu suất dưới trung bình, chiếc Flex 3 11 inch cũng dễ bị nóng ở đáy máy. Sau khi stream video được 15 phút, phần đáy máy có nhiệt độ lên tới 38.8 độ C, vậy nên bạn phải cẩn thận khi đặt chiếc laptop này lên đùi. Nhiệt độ đo được ở touchpad là 29 độ C và điểm giữa phím G và phím H có nhiệt độ là 32 độ.
Thời lượng pin
Chiếc Flex 3 11 inch có thời gian sử dụng pin là 6 tiếng 41 phút trong bài kiểm tra pin (lướt web liên tục bằng Wi-Fi với độ sáng màn hình ở 100 nit). Thời lượng pin này cao hơn thời lượng pin trung bình là 6 tiếng 26 phút của các máy laptop 2 trong 1 tầm trung khác.
Lời kết
Chiếc Lenovo Flex 3 11 inch có lẽ là chiếc laptop lai tốt nhất và rẻ nhất nếu bạn chú trọng vào khả năng đa chế độ sử dụng và tính năng đa dạng. Chiếc laptop này cũng có thời lượng pin hơn 6 tiếng, khá tốt so với các laptop tầm trung khác. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm hiệu suất thì chiếc Flex 3 11 inch không phải là chiếc laptop dành cho bạn vì khả năng làm việc nặng kém và màn hình không như ý. Nhưng đây vẫn sẽ là một chiếc laptop lai rất phù hợp đối với các bạn sinh viên vì các tính năng linh hoạt, tuổi thọ pin tốt, thiết kế đẹp và mức giá mềm.
Đức Lộc
Theo LaptopMag
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam