1. Chọn nơi bán
Các điểm bán lẻ lớn sẽ có bảo hành từ 3-6 tháng.
Thông thường các cửa hàng bán lẻ có uy tín thì bạn sẽ được hưởng chế độ bảo hành khá chu đáo, thời gian bảo hành từ 3 tháng đến 6 tháng tùy vào sản phẩm. Thêm nữa, tại một số cửa hàng, khi người dùng mua sản phẩm cũ thì được hưởng chế độ “bao test”, nếu trong thời gian từ 1-5 ngày, sản phẩm có lỗi kỹ thuật thì người mua được phép hoàn trả lại. Tuy nhiên, do được bảo hành nên giá của sản phẩm cũ sẽ đắt hơn so với khi bạn mua ở một cá nhân nào đó, hoặc một cửa hàng nào đó không có bảo hành, đây là điều dễ hiểu và chấp nhận được.
Nếu bạn mua qua một cá nhân nào đó, thì ưu điểm duy nhất của việc mua bán này chính là nằm ở giá cả, đôi khi bạn sẽ mua được một món hời, và bạn sẽ được “bao test” trong khoảng cao nhất là 1 tuần.
Bạn có thể tìm mua những máy ảnh cũ ngoài cửa hàng hay từ người dùng bán lại trên mạng. Bất kỳ khi mua ở đâu, bạn cũng nên search thử số điện thoại hay cửa hàng để xem người hay cửa hàng đó đã từng dính “phốt” lừa đảo hay chưa. Bạn cũng nên mua những máy còn bảo hành hãng hay cửa hàng. Mua máy tại nhà sẽ tốt hơn vì khi có vấn đề gì, bạn có thể dễ dàng đổi trả để tránh bị lừa.
2. Test thân máy
Kiểm tra tổng thể bề ngoài
– Nếu chiếc máy bạn đang định mua được rao bán nguyên hộp (fullbox), thì việc đầu tiên cần làm là kiểm tra tất cả giấy tờ kèm theo, so sánh số seri (serial number) ghi ngoài vỏ hộp, trên giấy bảo hành và cạnh dưới của máy xem có khớp nhau không.
– Tiếp đến nhận xét tổng thể về bề ngoài chiếc máy. Chú ý kiểm tra kỹ các ống vít: nếu chúng có dấu hiệu bị toét (cháy ren) hay gỉ sét thì có thể dừng cuộc kiểm tra luôn tại đây, bởi nhiều khả năng chiếc máy này đã bị tháo mở (bung máy) vì một lý do nào đó.
– Kiểm tra các gờ, cạnh xung quanh máy xem có rạn nứt hay xước sát nhiều không. Một vài vết xước nhỏ có thể chấp nhận được do cách để đồ trong túi khi di chuyển, nhưng những vết rạn nứt đồng nghĩa với va đập, rơi vỡ và chiếc máy đó xứng đáng bị “out”.
– Mở tất cả các nắp đậy pin, nắp thẻ nhớ, nắp che dây nguồn video out và nguồn sync máy tính xem chúng có vấn đề gì không. Gỉ sét chứng tỏ chiếc máy này đã quá cũ và thường xuyên phải “dầm mưa dãi nắng”, trong khi bụi cát đóng đầy tố cáo chủ trước là một kẻ… ở bẩn, hiếm khi vệ sinh máy sau khi sử dụng xong. Khi gặp hai trường hợp này, hãy cân nhắc kĩ lưỡng xem đó có phải vấn đề to lớn với bạn không? Nếu không thì đó cũng là cái cớ giúp bạn có thêm lợi thế khi thương lượng giá.
Kiểm tra khe cắm thẻ nhớ, nắp đậy pin và che jack video out, sync cable
– Các máy ảnh DSLR có thiết kế đặc trưng với tay cầm bên. phải gồ ra, thường được bọc một lớp da hoặc nhung mỏng. Kiểm tra xem lớp da/ nhung này có còn nguyên vẹn hay không. Lần theo viền mép của chúng xem có chỗ nào bị bong tróc, hay có dấu hiệu của keo dán lại hay không. Bởi đằng sau lớp da / nhung này bao giờ cũng có 1 – 2 con ốc vít bắt buộc phải tháo ra khi muốn mở máy.
Kiểm tra hoạt động của máy
Nếu chiếc máy bạn đang test vượt qua được tất cả các bước kiểm tra ngoại hình trên đây thì có thể chuyển sang tiến hành kiểm tra hoạt động của máy theo các bước sau:
– Lắp pin, thẻ nhớ, ống kính, bật máy lên.
– Truy cập vào Menu Settings trên máy, reset tất cả thiết lập về mặc định (default).
– Chuyển chế độ chụp Auto, bật chức năng tự động lấy nét (autofocus) trên ống kính, chụp thử vài kiểu. Lắng nghe xem sau khi lấy nét, máy có kêu “tít tít” và trong kính ngắm các điểm lấy nét có nháy đỏ (hoặc xanh tùy loại máy) hay không.
– Thử chụp trong điều kiện thiếu sáng, nếu nơi thử máy quá sáng thì có thể đút máy vào ngay trong chiếc hộp đựng nó để thử, xem đèn flash gắn trên đỉnh máy có tự động bật lên và nháy sáng khi chụp hay không.
Mang theo laptop giúp bạn có được công cụ để kiểm tra máy ảnh một cách chính xác nhất.
Laptop có cài sẵn phầm mềm đọc file exif của ảnh như Opanda Exif, PhotoME, v…v.. và phần mềm kiểm tra điểm ảnh DeadPixelTest. Một ống kính có hỗ trợ autofocus của cùng hãng máy đó, có thể mượn bạn bè hoặc yêu cầu người bán máy mang theo.
Kiểm tra Dead Pixel trên cảm biến: để có thể kiểm tra được, bạn cần chụp 3 tấm ảnh theo hướng dẫn dưới đây:
Bức 1: Tháo lens, đậy nắp body của máy, Set ISO khoảng 200 đến 4oo rồi chụp khoảng 10s để làm nóng sensor.
Bức 2: Đặt ISO ở mức thấp nhất rồi chụp khoảng 1/20s.
Bức 3: Bạn chụp máy bằng một hộp kín hay túi nilon đen để ngăn không cho ánh sáng lọt vào sensor. Sau đó vẫn chụp một tấm với khoảng 1/20s.
Bây giờ bạn hãy copy ảnh vào trong máy tính và mở lên xem, không nên xem bằng màn hình máy ảnh vì kích thước nhỏ. Đầu tiên bạn xem trên ảnh chụp trong 10s xem có đốm trắng hay vết xước nào không. Đó là biểu hiện của cảm biến bị bụi và xước. Sau đó chuyển sang xem 2 ảnh còn lại. Trên ảnh thứ 2 bạn thử xem có đốm đỏ hay xanh không, đó là biểu hiện của dead hay hot pixel. Tiếp tục xem ảnh thứ 3, nếu các đốm đỏ và xanh ở ảnh thứ 3 trùng nhau thì cảm biến đó đã xuất hiện các dead pixel hay hot pixel.
Tuy nhiên bạn cũng không cần phải lo lắng nếu xuất hiện từ 3 đến 4 điểm. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng một cách bình thường. Nhưng nếu bạn thấy nhiều, tốt hơn bạn không nên mua máy ảnh đó.
Kiểm tra số shot đã sử dụng: Để kiểm tra số shot của máy ảnh, bạn có thể sử dụng các phần mềm tùy theo hãng. Tùy vào dòng máy mà các hãng đưa ra các số màn chập tối đa khác nhau. Bạn có thể tìm các phần mềm để kiểm tra số shot rất dễ dàng trên mạng. Hoặc upload ảnh vừa chụp lên camerashuttercount.com.
Tuy nhiên có một số máy đã bị các thợ thực hiện reset shot, tức là trên phần mềm sẽ hiển thị các số shot như từ lúc mua máy. Nếu bạn gặp các máy ảnh có số shot thấp nhưng ngoại hình đã cũ thì rất có thể máy đó đã bị reset shot. Tất nhiên sẽ tùy thuộc vào người sử dụng nhưng một máy ảnh chỉ khoảng hơn chục ngàn shot mà đã bị bong tróc thì nhiều khả năng bạn cũng không nên mua máy đó.