Websosanh – Những ngày Tết hầu như chúng ta chỉ ăn thịt gà, thịt bò hay thịt lợn, nhưng ăn mãi những loại thịt ấy cũng chán. Ra Tết rồi bạn có thể đổi vị cho bữa ăn cũng như những bữa tiệc bằng cách bày một đĩa thịt luộc thật ngon và thật đẹp. Người ta thường kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng, tuy nhiên đến khoảng mồng 4 hoặc mồng 5 thì ăn thịt vịt là điều bình thường.
Vịt có thể chế biến thành rất nhiều món, nhưng thịt luộc là món dễ làm nhất mà lại ngon. Tuy vậy, nếu không biết cách luộc vịt thì dù có chọn được con vịt béo ngậy thế nào, bạn cũng không thể có được một đĩa thịt vịt luộc ngon được. Những kinh nghiệm sau đây sẽ giúp bạn luộc vịt ngon mà lại có thể trang trí được thành một đĩa thịt vịt đầy và đẹp, không bị quá nát cũng không bị rách da.
Kinh nghiệm chọn vịt để luộc
Bạn nên chú ý đến khâu chọn vịt một chút. Bạn không nên mua những con vịt đã làm sẵn và bày trên các kệ hàng, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Bởi thịt vịt đã xử lý qua sẽ không còn được tươi mà bạn cũng không biết là thịt vịt có ngon, vịt có khỏe và làm thịt vịt có sạch sẽ hay không.
Thêm vào đó, khi mua, bạn nên chọn những con vịt trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Những con vịt này có ưu điểm làm lông rất nhanh, không tốn thời gian, thịt vịt cũng ngon hơn và chắc hơn. Nếu bạn chọn những con vịt non quá, thịt sẽ nhão, không săn chắc và rất tốn thời gian để nhổ lông tơ (lông măng). Đặc điểm của những con vịt non đó là mỏ vịt to nhưng lại mềm. Còn với những con vịt già, bạn quan sát kỹ sẽ thấy nó có mỏ nhỏ và cứng.
Nhìn chung thì công đoạn này cũng không khó lắm đâu. Dù bạn đi chợ lần đầu, chỉ cần quan sát kỹ một chút là thấy được con nào trưởng thành, con nào chưa thôi. Vì vậy, bạn cũng không cần quá lo lắng.
Kinh nghiệm làm thịt vịt
Nếu bạn không chọn những con vịt đã qua xử lý, cũng không muốn người ta làm cho bạn tại chỗ, hoặc bạn mua vịt về và để một vài ngày sau mới làm thịt thì nên chú ý một chút về cách làm thịt vịt. Nói chung thì cách làm thịt vịt cũng gần tương tự như cách làm thịt gà, thịt ngan hay những loài gia cầm khác. Để khử sạch mùi hôi của phần lòng, mề.., bạn có thể dùng một ít muối trắng, rượu và dấm.
Chú ý nhổ thật kỹ phần thân, cánh vịt và phần đầu vì mình vịt sẽ có khá nhiều lông măng, nếu vẫn còn sót lại khi luộc lên, những chiếc lông này vẫn còn gây cảm giác khó chịu mà ăn cũng không được ngon. Sau khi làm sạch sẽ, bạn chỉ cần xát lên vịt chút muối, gừng, chút rượu trắng một lần nữa rồi rửa lại để ráo nước, như vậy vịt luộc sẽ không bị hôi.
Kinh nghiệm luộc vịt
Vịt khác gà một chút đó là vịt “nặng mùi” hơn gà. Trước khi luộc vịt, hãy chuẩn bị một ít hành khô bóc vỏ và nướng thơm, một nhánh gừng rửa sạch đập nhỏ. Với hành và gừng, vịt sẽ không bị hôi và thịt cũng ngon hơn. Với luộc thịt gà thì bạn chỉ cần cho hành khô đã nướng qua vào thôi. Một số người giảm độ dai cho vịt già bằng cách ướp thịt vịt bằng nước quả lê khoảng 10 phút trước khi luộc.
Cho vịt vào nồi, đổ nước đến khi ngập vịt tầm 1cm. Không nên đổ quá ít nước, vì như thế thịt vịt sẽ bị đen. Đun sôi và cố gắng vớt sạch bọt đi. Cho vào nồi vịt luộc một nhánh gừng đạp nát, một chút bột canh, hành khô đã nướng ở trên, đậy vung lại và để nhỏ lửa, sôi lăn tăn khoảng 25 – 30 phút. Lấy đũa xiên thử vào đùi vịt thấy nước chảy ra không đỏ là vịt đã chín. Nếu là vịt già, các bạn tắt bếp và ngâm vịt trong nồi cho tới khi nguội vịt sẽ không bị dai.
Sau khi vịt luộc chín
Sau khi luộc vịt bạn không nên vớt ngay ra, để trong nồi và chỉ lấy ra khi chặt. Bạn không nên chặt thịt vịt khi nguội mà nên chặt thịt vịt khi nóng, như thế sẽ mềm hơn và dễ chặt hơn. Thịt vịt nên chặt thành từng miếng dài, khi bày đĩa sẽ đẹp và dễ ăn hơn.
Hương Giang
(sưu tầm)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam