Nên chăng sắm đèn flash rời cho máy ảnh

Chuyển tới nội dung chính trong bài [Xem]
Đèn flash rời chỉ thực sự mạnh mẽ, mang lại hiệu ứng ánh sáng đẹp và trải nghiệm mới về nhiếp ảnh khi người cầm máy am hiểu thiết bị.

Có thể dễ dàng nhận thấy ngày nay hầu hết các máy ảnh từ phổ thông, trung cấp và thậm chí cả những sản phẩm cao cấp đều được trang bị đèn flash ngay trên thân máy. Song, với một số tay máy, flash tích hợp (flash cóc) chủ yếu chỉ dùng để bổ sung thêm ánh sáng (fill light) vào ban ngày hơn là được dùng như một nguồn sáng chính vào buổi đêm. Chẳng hạn như khi chụp ngược sáng ngoài trời nắng, đèn flash tích hợp có thể được dùng làm nổi bật chủ thể cần chụp; hay làm hạn chế đổ bóng ngoài ý muốn trong các cảnh chụp chân dung. Flash tích hợp cũng khá phù hợp cho những tình huống mà ở đó người cầm máy không thể nâng giá trị ISO lên cao (để tránh nhiễu hạt).

Canon EOS 7D với đèn flash cóc tích hợp.

Tuy vậy, flash tích hợp thường làm mất chi tiết vùng sáng, gây hiện tượng mắt đỏ, đổ bóng gắt trong các cảnh chụp chân dung, khó kiểm soát cường độ ánh sáng và công suất nhỏ – nên đôi khi thiết bị chỉ thực sự được lựa chọn khi người cầm máy không có một giải pháp nào tốt hơn. Chính vì những hạn chế này mà người dùng có nhu cầu cao về chụp ảnh với flash đều tậu cho mình một bộ flash rời (flash gun).

Trước khi đi vào lý do chính cho việc tậu flash rời, hãy cùng điểm qua một vài lý do kỹ thuật có thể khiến bạn quên đi đèn flash cóc. Trước hết, flash tích hợp một khi được kích hoạt sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng pin của máy ảnh. Nếu sử dụng liên tục bạn sẽ nhận thấy flash tích hợp còn tỏ ra chậm chạp (thời gian hồi đèn lâu) khiến bạn phải đợi chờ cho mỗi shot hình sau đó. Trong khi đó, đèn flash rời thường sử dụng một nguồn năng lượng độc lập hoàn toàn với camera; và còn có tốc độ hồi đèn nhanh hơn hẳn. Bên cạnh đó, đèn flash rời còn có công suất cao hơn nhiều (khoảng 15 lần) so với flash cóc, nên người dùng có thể dễ dàng chiếu sáng những đối tượng ở xa; không gây tình trạng tối ở rìa ảnh do quang thông và độ rọi đèn flash rời lớn hơn nhiều.

Đèn flash rời cho phép người dùng điều chỉnh hướng ánh sáng bởi thiết kế khớp xoay đầu đèn linh hoạt.

Bên cạnh những đặc tả kỹ thuật mạnh, một ưu điểm khác đáng kể của đèn flash rời chính là thiết kế hướng đánh sáng linh hoạt, do đầu đèn có thể xoay chuyển nhiều góc độ khác nhau, rất thích hợp cho người dùng có nhu cầu bounce flash (đánh đèn dội trần/tường) để làm dịu ánh sáng giúp chủ thể trông tự nhiên hơn. Dĩ nhiên, với flash cóc, người dùng cũng có thể đánh flash dội trần bằng một tấm phản xạ ánh sáng nhỏ màu trắng tự chế hay mua riêng. Nhưng với flash rời, nếu thiết kế chiều cao trần không quá lớn, bạn có thể hướng thẳng đèn lên trần để bounce flash mà không cần phải tậu thêm phụ kiện rời. Thiết kế góc xoay đầu đèn linh hoạt của flash rời còn cho phép người dùng đánh sáng dội từ nhiều mặt phẳng khác chứ không chỉ duy nhất lựa chọn đánh trần như flash cóc.

So với flash cóc, khoảng cách giữa đèn flash rời và ống kính lớn hơn nhiều nên ánh sáng từ đèn flash cũng không dội ngược lại trực tiếp ống kính gây nên tình trạng mắt đỏ trong các cảnh chụp chân dung đêm. Bên cạnh đó, đèn flash rời còn cho phép tùy chỉnh công suất đa dạng và hỗ trợ tính năng “off camera” – đánh flash ngay cả khi không kết nối trực tiếp đèn với camera. Flash rời cũng là một lựa chọn tốt cho nhu cầu fill flash, chụp ngược sáng mà vẫn giữ được đúng màu của ánh sáng tự nhiên.

Ảnh chụp sử dụng đèn flash rời Speedlight 430EXII bounce flash trực tiếp lên trần nhà.

Dù sở hữu rất nhiều điểm mạnh, nhưng đèn flash rời cũng như bất kỳ thiết bị tốt nào khác cũng tồn tại nhược điểm của riêng nó. Đơn cử, đèn flash rời thường có ngoại hình lớn, các tay máy có thể sẽ phải đầu tư nâng cấp túi đựng máy ảnh nếu không đủ không gian cho phụ kiện này. Cũng cần lưu ý rằng đèn flash rời là một phụ kiện mua riêng nên giá thành sản phẩm cũng không hề rẻ, nhất là những model cao cấp hỗ trợ tính năng weather-sealed. Thêm vào đó, đèn flash rời cần người sử dụng hiểu rõ về mối quan hệ giữa thiết bị với khẩu độ cũng như khoảng cách từ chủ thể đến máy ảnh. Riêng với mục đích sử dụng để bounce flash, người dùng cũng cần nắm rõ cách điều tiết độ sáng của đèn và cần tập luyện nhiều mới có kết quả tốt.

Một số lưu ý khi tậu đèn flash rời

Như đã nói ở trên, lợi thế lớn nhất của đèn flash rời chính là thiết kế cho phép thay đổi hướng ánh sáng đến bất kỳ góc độ nào thay vì chỉ đánh trực diện vào chủ thể như flash cóc. Chính vì thế, khi đã quyết định tậu flash rời, bạn nên chọn những model có khả năng tùy chỉnh góc xoay đầu đèn đa dạng; vì chỉ cần xoay hướng đánh đèn một góc nhỏ, kết quả mà người cầm máy thu được sẽ rất khác biệt.

Nếu có dự định sử dụng tính năng “off camera”, người dùng cũng cần lưu ý chọn những sản phẩm có tích hợp sẵn ngõ cắm hỗ trợ tính năng này. Về cơ bản, đèn flash rời khi sử dụng ngoài camera cũng có 2 lựa chọn chính là dùng cáp kết nối hoặc sử dụng trigger điều khiển từ xa. Người dùng có thể lựa chọn phụ kiện kết nối cáp hoặc không dây tùy theo hầu bao của mình.

Ảnh chụp sử dụng đèn flash cóc gây tình trạng mắt đỏ và đổ bóng làm mất giá trị bức ảnh.

Bên cạnh những lưu ý về tính năng, thiết kế, công suất đèn flash cũng là một yếu tố cần quan tâm. Với đèn flash rời, công suất thường được mô tả bằng giá trị Guide Number (GN) của sản phẩm. GN thường được tính bằng khoảng cách từ chủ thể đến máy ảnh nhân với trị số khẩu độ. GN càng lớn, cường độ ánh sáng từ đèn flash càng mạnh. Chính vì thế, nên chọn những đèn flash rời có GN lớn vì trong quá trình sử dụng, bạn có thể giảm cường độ ánh sáng nhưng không thể tăng quá giới hạn GN của đèn.

Hầu hết các đèn flash hiện đại ngày nay đều hỗ trợ tính năng TTL (Through The Lens) – đo sáng từ những thiết lập trên camera (ISO, chế độ chụp, chiều dài tiêu cự…). Cơ bản, hệ thống này không dùng bộ phận cảm biến ánh sáng trên đèn để đo sáng nữa mà thay vào đó, đèn sẽ phát ra nguồn sáng “nháp” và máy ảnh dùng nguồn sáng này làm cơ sở quyết định công suất cho nguồn sáng chính. Quá trình đo sáng trong chế độ này tương tự chế độ đo sáng ma trận trên máy ảnh, nguồn sáng Pre-flash sẽ đánh sáng mọi vật thể trong khung ảnh, máy ghi nhận, phân tích để đưa ra kết quả về công suất nhằm cân bằng phủ sáng cho đèn. Mỗi hãng đều có một tên gọi khác nhau cho công nghệ đo sáng này: Canon thường sử dụng tên gọi eTTL, Nikon thường sử dụng i-TTL, còn Pentax lại sử dụng ký hiệu P-TTL cho sản phẩm hỗ trợ tính năng này…

Ngoài ra khi chọn đèn flash rời, người dùng cũng cần quan tâm các thông số như High-Speed sync – cho phép tốc độ màn trập đóng nhanh hơn tốc độ đồng bộ đèn tối đa, phù hợp cho những cảnh chụp cần tốc độ màn trập đóng nhanh như chụp ảnh trong môi trường ánh sáng chói chang cần tăng tối đa tốc độ màn trập, hoặc như các cảnh chụp cần khóa cứng những đối tượng di chuyển. Những tính năng như Slow Sync (đồng bộ đèn tốc độ chậm), Stroboscopic (hiệu ứng chớp một chuỗi đèn liên tục cách quãng đều nhau trong một lần phơi sáng duy nhất) hay Atuo zoom (thay đổi góc chiếu sáng tự động theo chiều dài tiêu cự lens) cũng là những yếu tố cần quan tâm.

Thị trường đèn flash rời hiện tại cũng khá đa dạng về chủng loại và thương hiệu. Song song với những sản phẩm OEM còn xuất hiện nhiều tên tuổi đến từ Hongkong (Yongnuo) hay Nhật Bản (Nissin) với giá thành rẻ hơn nhiều. Trong số những sản phẩm từ hãng thứ 3 này, nhiều model có dải công suất rộng phù hợp cho nhiều nhu cầu chụp ảnh của người dùng. Nếu muốn làm quen với đèn flash rời, những thương hiệu này có thể là một bước khởi đầu tốt, hợp túi tiền.

Tựu trung, việc tậu một đèn flash rời và học cách sử dụng, kết hợp nhuần nhuyễn trên chính camera hoặc đánh flash rời sẽ mang đến cho người cầm máy nhiều trải nghiệm cũng như cơ hội mới trong nhiếp ảnh. Nếu sử dụng đèn flash đúng cách kết hợp thêm một ít sáng tạo, người cầm máy có thể mang đến những hiệu quả bất ngờ cho bức ảnh của mình. Song, đây cũng là một bước tiến khó khăn nhất với người chơi ảnh vì cần phải có kiến thức về nhiếp ảnh cũng như thực hành nhiều trên chính thiết bị.

TIN TỨC LIÊN QUAN

Tin tức về Máy ảnh

Đánh giá camera Huawei P40 Pro. Có phải là camera khủng nhất?

Đánh giá camera Huawei P40 Pro. Có phải là camera khủng nhất?

Huawei P40 Pro là điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei. Xây dựng dựa trên những thành công của thế hệ P20 Pro và P30 Pro trước đó, P40 Pro được nhắm mục tiêu cụ thể đến các nhiếp ảnh gia. Cùng khám phá xem chiếc camera của Huawei P40 Pro đem đến những gì.
Những ấn tượng đầu tiên về chiếc máy ảnh Pentax K-3 Mark III

Những ấn tượng đầu tiên về chiếc máy ảnh Pentax K-3 Mark III

Bây giờ khi mọi người nói về máy ảnh không gương lật, nhiều người cũng nghĩ đến sự tuyệt chủng của DSLR. Nhưng Pentax không nghĩ vậy, hãng vẫn tin tưởng vào DSLR và tiếp tục công việc của mình. Pentax K3 III ra đời tiếp nối dòng Pentax quen thuộc và được xem như trụ cột của dòng cảm biến DSLR APSC.