Razer HammerHead True Wireless Pro: Âm thanh tuyệt vời nhưng cũng là điểm sáng duy nhất!

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Là bản cập nhật của phiên bản năm ngoái, Razer HammerHead True Wireless Pro đã được cải thiện rất nhiều về mặt chất âm lẫn tính năng, thế nhưng, liệu những nâng cấp đó có xứng với giá bán 200 USD?

Thiết kế phần cứng và chất lượng hoàn thiện tai nghe Razer HammerHead True Wireless Pro

HammerHead True Wireless Pro vẫn giữ nguyên kiểu dáng của năm ngoái, nhưng thay vì thiết kế semi-in-ear thì nó chuyển hẳn thành in-ear để hiệu quả hơn trong việc khử ồn. Nếu xét nét hơn một chút, bạn có thể thấy nó khá là giống với AirPods Pro, với một phần hướng về phía tai với một nút tai cao su (có nhiều size đi kèm) và một thân dài phía dưới chứa pin và micro. Trên thân tai nghe là bộ phận cảm biến, ta sẽ dùng nó để điều khiển tai nghe.

Theo mặc định, chạm 1 lần vào thân tai nghe để play/pause bản nhạc, chạm 2 lần để đi tới bài kế tiếp và chạm 3 lần để trở lại. Để bật Game Mode, bạn chạm 3 lần nhưng lần chạm cuối giữ trong 2 giây. Để bật/tắt ANC, bạn chạm và giữ trong 2 giây. Sơ đồ này nhìn chung tương đối phức tạp và không có tăng giảm âm lượng. Thực ra thì cũng có, bạn có thể dùng ứng dụng để gán lệnh cho tai nghe nhưng như thế phải bỏ bớt một thao tác nào đó đi. Tóm lại, nó không có quá nhiều không gian để thay đổi.

Tai nghe sẽ tự động tạm dừng nhạc khi bạn tháo một (hoặc hai) tai nghe ra khỏi tai, rất tiện lợi nhưng như thế thì Ambient Mode lại có vẻ hơi bị thừa thãi.

Về hộp sạc, Razer đã cập nhật cho HammerHead True Wireless Pro thiết kế cũng tương tự AirPods Pro luôn. Đó là một hộp hình chữ nhật màu đen sạc qua cổng USB-C phía dưới. Mặc dù có giá bán tận 200 USD, nhưng chất lượng hoàn thiện của vỏ sạc khiến ta dễ dàng thất vọng, chất liệu nhựa tương đối rẻ tiền và không hỗ trợ sạc không dây. Phải biết rằng hiện nay có rất nhiều tai nghe true wireless giá rẻ hơn cũng đã có tính năng này rồi.

Chất lượng âm thanh của Razer HammerHead True Wireless Pro là điểm sáng duy nhất

Nếu thiết kế, tính năng của Razer HammerHead True Wireless Pro gây thất vọng bao nhiêu, thì chất lượng âm thanh của nó lại tuyệt vời bấy nhiêu. Phải nói rằng so với các mẫu tai nghe trước đây nó khác biệt một trời một vực: âm trung được làm lớn hơn, giúp giọng hát có điểm nhấn hơn, âm trầm và âm cao rõ ràng, sắc nét. Có một số EQ có sẵn trong ứng dụng Razer HammerHead hoặc bạn có thể tự tạo cho mình profile hợp ý nhất.

Tuy nhiên, HammerHead Pro chỉ hỗ trợ codec AAC và SBC. Ở mức giá này, đáng ra nó cần phải có aptX mới đúng dù cho độ trễ và chất lượng âm thanh của nó cũng không tốt hơn nhiều so với AAC. Game Mode thì thật đáng thất vọng, không có sự khác biệt rõ ràng nào giữa bật và không bật, độ trễ vẫn ở khoảng 60ms, mức tạm chấp nhận được.

Khả năng khử ồn chủ động của tai nghe HammerHead True Wireless Pro thì lại khá tốt. Nó có xu hướng chỉ giảm một chút âm lượng của âm thanh nền thay vì chặn hoàn toàn, nhưng có một số âm thanh sẽ biến mất hoàn toàn.

Cuối cùng là thời lượng pin, một điểm thất vọng khác của HammerHead True Wireless Pro. Tai nghe này chỉ được khoảng 4 giờ khi bật ANC và 6 giờ khi tắt. Razer cũng không nói rõ hộp sạc của nó có bao nhiêu dung lượng pin, chỉ ám chỉ rằng tai nghe này có thời gian sử dụng lên đến 20 giờ. Thường thì lượng pin như này cũng đủ để sử dụng rồi nhưng so với Sony WF-SP800N (9 giờ khi bật ANC), hay Samsung Galaxy Buds Plus (11 giờ, không có ANC) thì nó còn thua chị kém em nhiều lắm.

Có nên mua tai nghe Razer HammerHead True Wireless Pro không?

Thành thật mà nói, đây là cặp tai nghe true wireless không đáng mua nhất năm nay. Mặc dù nó có chất lượng âm thanh thực sự tốt nhưng đó là ưu điểm duy nhất giữa vô vàn khuyết điểm. Game Mode và ANC dường như không có tác dụng gì nhiều, thời lượng pin thì quá ngắn so với đối thủ và không hỗ trợ aptX hay Qi.

Dẫu biết không phải tai nghe nào cũng là hoàn hảo, và để có một thứ nổi bật thì cần phải hạ thấp thứ gì đó đi, thế nhưng đó là trường hợp của các cặp tai nghe giá rẻ. Với giá bán 200 USD (tương đương 4,6 triệu đồng), nó đã được xem là cận cao cấp và ở phân khúc giá này có rất nhiều lựa chọn tối ưu hơn; ví dụ như Sony WF-SP800N và Samsung Galaxy Buds Live +.

Hãy mua nó, nếu:

  • Bạn quan tâm đến chất lượng âm thanh hơn là tính năng
  • Bạn là fan cứng của Razer

Và đừng mua nó, nếu:

  • Bạn muốn có hiệu suất khử ồn tốt hơn
  • Sạc không dây cũng là tính năng cần thiết ở mức giá này
  • Mức giá 200 USD hơi quá sức với bạn

Tin tức về Loa - Micro - Tai nghe

Đánh giá tai nghe Apple AirPods 4: Có tốt hơn AirPods Pro 2 không?

Đánh giá tai nghe Apple AirPods 4: Có tốt hơn AirPods Pro 2 không?

Mặc dù không phải là AirPods Pro thế hệ thứ 3 như nhiều người dự đoán, Apple AirPods 4 vẫn mang đến những nâng cấp đáng kể về chất lượng âm thanh, khả năng chống ồn và thiết kế, đặc biệt là phiên bản có tích hợp tính năng khử tiếng ồn chủ động (ANC).
Nên mua loa kéo di động nào?

Nên mua loa kéo di động nào?

Bạn đang băn khoăn không biết nên chọn mua loa kéo di động nào để đáp ứng nhu cầu chơi nhạc mọi lúc, mọi nơi? Hãy để Websosanh.vn tư vấn giúp bạn.
Tai nghe Bowers & Wilkins PI7 S2 có những nâng cấp nào đáng chú ý?

Tai nghe Bowers & Wilkins PI7 S2 có những nâng cấp nào đáng chú ý?

Bowers & Wilkins PI7 S2 là một mẫu tai nghe in-ear mới của Bowers & Wilkins đang được thị trường “săn đón” hiện nay. Sản phẩm được nâng cấp từ các phiên bản tiền nhiệm và là thế hệ tai nghe với công năng vượt trội, chinh phục mọi người dùng.