Thời tiết ẩm ướt mưa nhiều không những gây cản trở cho chúng ta trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày mà nhiều người còn phải “than trời” vì quần áo giặt mãi không khô, thậm chí còn bốc mùi khó chịu, nấm mốc. Dù có giặt thật kỹ, dùng nước xả vải thật thơm thì quần áo vẫn có mùi khiến nhiều người đau đầu.
Trong trường hợp này, nếu gia đình bạn có máy sấy quần áo, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không có, bạn hãy tham khảo những mẹo nhỏ sau đây. Chúng sẽ giúp quần áo của bạn nhanh khô hơn, thơm tho hơn.
Giũ thật kỹ quần áo
Trước khi phơi bạn cần phải giũ thật kỹ quần áo, có như thế quần áo mới nhanh khô được. Đây không chỉ là cách giúp quần áo bớt nhăn khi khô, mà còn là cách giúp khử bớt lượng nước thừa. Nếu bạn giặt bằng máy, việc này có thể rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu giặt tay, hãy cố gắng vắt thật hết nước rồi giũ.
Nhúng quần áo vào nước nóng trước khi phơi
Đây là mẹo tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại hiệu quả không ngờ. Sau khi giặt xong, bạn hãy nhúng quần áo vào nước nóng, khoảng 60 độ, rồi vắt ráo, giũ và đem phơi. Nước nóng bốc hơi sẽ giúp rút ngắn thời gian làm khô quần áo.
Ngâm quần áo vào nước nóng trước khi phơi là cách giúp quần áo nhanh khô hơn
Nếu bạn giặt bằng máy giặt có chế độ giặt nước nóng, hãy để giặt ở nhiệt độ khoảng 60 độ C. Như thế, khi phơi quần áo cũng sẽ khô rất nhanh. Tuy nhiên, nếu sử dụng biện pháp này, hãy chú ý một chút đến chất liệu và màu sắc của quần áo vì không phải loại nào cũng đem giặt ở nhiệt độ cao được.
Thêm một chút muối vào nước giặt cuối cùng
Mẹo nhỏ này dành cho các bạn giặt tay, không dành cho các bạn giặt máy vì nước muối có thể làm hỏng máy giặt. Trong những ngày mưa gió, vì thời tiết sẽ lạnh hơn nên nếu bạn thêm một chút muối vào nước giặt cuối cùng, quần áo của bạn sẽ nhanh khô hơn.
Cuộn trong khăn lông khô để vắt
Sau khi giặt và vắt xong, hãy cuộn quần áo vào một chiếc khăn lông khô và tiếp tục vắt. Cách này sẽ giúp rút bớt nước từ quần áo sang khăn lông. Bạn có thể thay khăn lông bằng một loại vải thấm hút nước tốt khác. Với cách này, quần áo sẽ khô nhanh hơn.
Ủi/là quần áo trước khi phơi
Thường khi quần áo còn ẩm mà bạn muốn thật nhanh khô bạn sẽ dùng cách là/ủi. Tuy nhiên, chỉ đợi đến lúc gần mặc rồi mới làm như vậy thì quần áo sẽ có mùi ẩm mốc và không được thơm tho. Vì vậy, sau khi vắt và giũ quần áo thật kỹ bạn hãy dùng bàn là là quần áo trước khi đem phơi. Đây là cách giúp bay hơi phần lớn lượng nước còn trong quần áo. Ủi cả 2 mặt quần áo sẽ khô nhanh hơn rất nhiều.
Lưu ý: Không dùng quạt để làm khô quần áo vì trong trường hợp quần áo ẩm ướt, thời tiết ẩm ướt, quạt sẽ chỉ càng làm hơi nước ngưng tụ, khiến quấn áo lâu khô hơn mà thôi.
Phơi ngược quần áo
Việc phơi ngược quần áo sẽ giúp ráo nước nhanh hơn, nhất là đối với những chiếc quần jeans, quần tây hay những loại có chất liệu dày dặn, bạn hãy phơi ngược cho phần thắt lưng và miệng túi xuống dưới.
Nên phơi quần áo vào ban ngày
Thời gian lý tưởng để giặt quần áo là vào buổi sáng, vì nếu giặt vào buổi chiều và buổi tối bạn sẽ phải phơi qua đêm trong khi quần áo vẫn còn ướt nhẹp. Vào ban đêm, độ ẩm sẽ tăng nhanh khiến cho quần áo lâu khô, không những thế quần áo còn bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công, không chừng, điều đó sẽ làm cho bạn bị dị ứng, mẩn ngứa khi mặc quần áo ẩm ướt.
Nên trải rộng quần áo khi phơi
Khi phơi nên treo quần áo vào mắc (tốt hơn là vắt quần áo lên dây rồi dùng kẹp) để quần áo nhanh khô và phẳng phiu. Trước khi phơi nên lau dây phơi để tránh làm cho quần áo bị dính bẩn và lem sau mỗi trận mưa.
Không phơi quần áo trong nhà bếp hay nhà vệ sinh
Nếu phơi quần áo trong nhà bếp thì sẽ dễ ám mùi thức ăn, đặc biệt là các loại quần áo mùa đông như áo dạ, áo len. Nếu phơi quần áo trong nhà tắm thì càng ẩm thấp khiến quần áo khó khô, thậm chí còn kinh khủng hơn với mùi hôi khó tả.
Một số lưu ý khi bảo quản quần áo sau khi khô
– Chỉ cất quần áo vào tủ khi chúng thực sự khô. Chỉ cần một chiếc áo mỏng còn ẩm ướt là đủ để cả tủ quần áo của bạn có mùi ẩm mốc khó chịu.
– Không đặt tủ quần áo gần những nơi ẩm mốc, có độ ẩm cao. Tủ nên cao hơn mặt đất khoảng 5 – 10 cm để tránh hơi ẩm, không đặt sát tủ vào tường.
– Có thể cho vài viên chống ẩm hoặc túi thơm vào tủ quần áo. Đối với những quần áo có mùi mốc, hãy hoà một ít giấm và sữa bò vào nước, giặt lại quần áo.
G.H
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam