*Khuyến cáo: Các sản phẩm bia chỉ dành cho người trên 18 tuổi và không dành cho phụ nữ mang thai.
1. Khái niệm bia craft
Bia craft còn được biết tới với những cái tên khác như: craft beer, bia thủ công. Đây là loại bia được nấu bằng những nguyên liệu truyền thống kết hợp với sự sáng tạo vô hạn từ những nghệ nhân nấu bia và được ủ theo phương pháp thủ công trong thời gian dài ngày, có hương vị, màu sắc đa dạng. Đặc biệt số lượng sản xuất ít hơn bia tươi công nghiệp, thường có nồng độ cồn tương đối cao, chú trọng nhiều vào hương vị và màu sắc bia cùng độ xốp của bọt bia.
Trên thế giới, bia craft đã có từ lâu và rộ lên từ những năm 1990. Còn tại thị trường Việt Nam, trào lưu uống bia craft nhiều bắt đầu từ khoảng năm 2015 – 2016. Như để tìm một hương vị mới lạ bên cạnh các loại bia công nghiệp quen thuộc, các quán bia craft cũng bắt đầu mọc lên nhiều hơn để giới thiệu, tiếp cận người tiêu dùng thưởng thức và trải nghiệm.
2. Review bia craft chi tiết về thiết kế, thành phần và các loại
Nếu là người mới và chưa thưởng thức bia craft bao giờ, hẳn bạn rất tò mò về thiết kế, thành phần, các loại bia craft trước khi ra quyết định lựa chọn. Ngay bây giờ, mời bạn hãy cùng Websosanh.vn review bia craft chi tiết:
2.1. Thiết kế
Do đề cao sự sáng tạo nên bia craft được nấu, ủ thủ công bởi mỗi nghệ nhân khác nhau sẽ khác nhau. Theo đó, họ sẽ tự xây dựng cho sản phẩm của mình một hình hài, câu chuyện thương hiệu, cá tính độc đáo riêng biệt. Tuy nhiên giữa các loại bia craft đang có trên thị trường hiện nay thì ta vẫn nhận thấy có những điểm chung trong thiết kế như sau:
- Thường được đựng trong các tank thép, bom keg hoặc thùng gỗ chuyên dụng và được lấy ra trực tiếp từ vòi để phục vụ trực tiếp người uống tại quán bằng những chiếc ly uống bia chuyên dùng.
- Với hình thức tiện lợi, bia craft thường được đựng trong lon nhôm hoặc chai thủy tinh với dung tích 330ml tương tự như các loại bia công nghiệp. Quy cách đóng gói thường thấy là dạng xách 6 lon, thùng nhỏ 12 lon và thùng 24 lon bằng bìa carton cứng cáp. Với dạng chai thì có xách 6 chai, thùng 20 chai hoặc mix vị theo combo 6, 9, 12 tùy thuộc sở thích khách uống và đơn vị bán.
2.2. Thành phần
Không chỉ “biến hóa” muôn hình vạn trạng trong thiết kế mà thành phần của bia craft cũng không có một chuẩn cụ thể nào rõ ràng. Bởi nó phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm, tay nghề của các nghệ nhân nấu bia thủ công.
Theo đó, những thành phần chính của bia craft thường là nước, hoa bia, men và malt. Trong nhiều trường hợp để giảm giá thành người ta có thể thay thế một số nguyên liệu chính malt bằng ngũ cốc, gạo hoặc ngô.
Bên cạnh đó còn có nhiều thành phần phụ khác để tạo ra hương vị, màu sắc khác biệt cho sản phẩm. Các màu sắc bia craft thường thấy như đen, đỏ, vàng,… là do được kết hợp cùng các nguyên liệu phụ như: hoa quả, trái cây, thảo mộc, hạt cà phê,… Nhiều nơi nấu bia thủ công để tạo ra hương vị độc đáo riêng không ai có, họ còn cho thêm các nguyên liệu phụ khác như: tiêu, rau mùi, đu đủ, kiều mạch, hạt cacao,…
2.3. Các loại bia craft phổ biến trên thị trường hiện nay
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bia craft bởi sự sáng tạo của các nghệ nhân nấu bia là vô hạn nên không có chính xác một con số nào chỉ rõ có bao nhiêu loại bia craft trên thị trường. Theo đó, các loại chỉ khác nhau chút ít về thành phần, màu sắc, hương vị, nồng độ cồn và thời gian ủ lâu ngày hay không còn nguyên liệu chính và cách làm thì gần như tương tự nhau.
Sau đây là các loại bia craft phổ biến nhất mà bạn có thể mua được hoặc được thưởng thức khi tới các hệ thống quán nhậu craft beer gần nơi mình sinh sống:
- Bia IPA: Đây là loại phổ biến nhất của bia craft. Điểm đặc biệt của loại bia thủ công này là uống rất êm, có vị hoa quả khá dễ uống, giá thành rẻ. Menu nhậu cùng các món cơ bản như: thịt cừu Ninh Thuận, gà rang muối, đậu tẩm hành,… ăn khá vào và ngon miệng.
- Bia vị khói: Loại này hơi khó uống hơn IPA một chút. Vị khói có mùi vị tựa như đang thưởng thức món thịt trâu gác bếp. Nhậu cùng các món kèm như rau cải xoăn, salad, các món thanh đạm dễ vào hơn.
- Bia Double IPA: Đây là loại bia nặng hơn IPA thường. Uống vào không quen rất nhanh say.
- Bia đen (Brown Chocolate): Có độ đắng bình thường, có vị caramel cà phê ăn kèm món chân giò hầm kiểu đức, bánh mì sốt phô mai thì khá hợp.
- Bia đỏ (Red Ale): Bia này có vị mật ong và một chút vị hoa quả nên khá dễ uống.
- Bia táo (Apple Cider): Nồng độ cồn khá nhẹ, uống như bia trái cây Strongbow, thích hợp cả với nữ.
Nhìn chung bia thủ công uống khá nặng chứ không nhẹ như bia tươi, bia hơi công nghiệp. Uống vài cốc là có cảm giác say xỉn. Giá bia craft tại các hệ thống quán nhậu cũng không rẻ. Một ly nhỏ khoảng tầm 25.000 đồng/ly. Có nhiều nơi bán rẻ để kích cầu khách thì giá mỗi ly có thể rơi vào khoảng tầm 15.000 đồng.
3. Cách làm bia craft đơn giản để thưởng thức
Cách làm bia craft không khó nhưng không phải ai cũng có thể làm được bởi nó đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn và sự đam mê, sáng tạo vô hạn của người nấu bia. Để thử làm ra những mẻ bia craft mang dấu ấn cá nhân của mình, bạn cần:
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ nấu và ủ bia như: nồi đun, máy xay, máy lọc, bình lên men, bình đựng bia chuyên dụng,…
- Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu chính và phụ phục vụ cho việc nấu bia
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ nấu bia và làm sạch nguyên liệu trước khi nấu để tránh nhiễm khuẩn và ảnh hưởng tới chất lượng bia.
3.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Munich Malt: 675g
- Hoa bia Hallertau Mittelfruh: 5g
- Men: Saflager W-34/70
- Nước: 5,75 lít
Trong trường hợp không mua được Munich Malt bạn có thể thay bằng ngũ cốc, ngô, gạo,… Số liệu trên là số liệu chuẩn cho 1 mẻ nấu 5 lít bia. Nếu nấu thí nghiệm ít hơn nữa, bạn có thể chia tiếp số liệu trên theo tỉ lệ vừa đủ là được.
3.2. Các bước làm bia craft chi tiết
- Bước 1: Kiểm tra và nghiền vỡ Malt/ ngũ cốc bằng máy chuyên dụng để đảm bảo kích thước hạt vỡ vừa phải không bị tách vỏ sau nghiền.
- Bước 2: Đổ nguyên liệu đã nghiền phối trộn thêm nguyên liệu phụ vào đun trong nước ấm ở nhiệt độ 46 – 48 độ C. Duy trì nhiệt độ 65 – 70 độ C trong vòng 60 – 90 phút được dung dịch hỗn hợp nhão. Tiếp tục gia nhiệt trong quá trình nấu kết hợp kiểm tra đường hóa bằng dung dịch iot đến khi xuất hiện màu xanh dương.
- Bước 3: Lọc dịch đường, cho thêm nước ở nhiệt độ 76 độ C vào rửa bã hèm và vắt khô hèm bia còn lại.
- Bước 4: Đun sôi dịch đường. Lọc và đo độ đường bằng đường kế.
- Bước 5: Quá trình đường hóa kết thúc, cho thêm hoa bia vào dịch đường đun tiếp để tạo độ đắng nhẹ và hương thơm cho bia. Trong quá trình đun 60 – 90 phút lần 2 bạn có thể cho hoa bia nhiều lần và thử để có hương thơm và độ đắng như mong muốn. Kết hợp đo lại độ đường bằng đường kế 1 lần nữa để có vị cân bằng giữa ngọt và đắng.
- Bước 6: Làm lạnh dịch đường sau đun về nhiệt độ lên men bằng cách đặt nồi vào 1 chậu nước lạnh. Sau đó hạ nhiệt dịch đường xuống 20 – 25 độ C để sẵn sàng cho quá trình lên men.
- Bước 7: Bổ sung thêm men vào dịch đường rồi ủ bia trong vòng 21 – 30 ngày.
- Bước 8: Sau giai đoạn ủ, tiếp tục lọc bia và hấp để ra thành phẩm cuối cùng.
- Bước 9: Thưởng thức trực tiếp hoặc đóng chai cất đi thưởng thức dần.
Đây chỉ là những bước rất cơ bản trong cách làm bia craft nấu ủ thủ công. Cũng chưa chắc bạn sẽ thành công ngay từ đầu nên hãy trau dồi và tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên sâu nếu bạn có ý định nấu bia thủ công nghiêm túc nhé! Chúc bạn thành công!