Vịt hấp bia mềm ngon bổ dưỡng và cách làm chi tiết

Chuyển tới nội dung chính trong bài [Xem]
Mùi thơm của bia thấm đều vào từng thớ vịt sẽ giúp món vịt hấp bia của bạn thêm mềm mượt và ngọt hơn bao giờ hết. Trong thời tiết thế này hãy bắt tay vào làm ngay một nồi vịt hấp bia bổ dưỡng để thưởng thức cùng cả nhà luôn nhé!

1. Cách chọn và tính toán nguyên liệu vịt hấp bia phù hợp

Vịt hấp bia là một món ăn ngon, bổ dưỡng và không khó làm. Do đó, món ăn này không chỉ được ưa chuộng trong các gia đình vào những buổi tụ họp mà còn được lựa chọn vào menu các nhà hàng, quán vịt nổi tiếng. Tùy thuộc vào mỗi trường hợp cụ thể mà cách chọn vịt nguyên liệu cũng như khối lượng tính toán sẽ có sự khác nhau.

Ví dụ như ăn ở nhà thì chỉ cần lựa vịt có khối lượng từ 1,3kg – 2kg là ngon và vừa đủ. Nhưng nếu làm cỗ hoặc quy mô nhà hàng, công nghiệp thì thường vịt nguyên liệu các đầu bếp sẽ lựa chọn vịt to, dày mình với khối lượng nặng từ 3kg – 3,5kg.

Hoặc bạn cũng có thể ước lượng khối lượng vịt nguyên liệu cần dựa theo nhu cầu ăn thực tế của từng đối tượng người dùng. Ví dụ: Người lớn ăn khoảng 300g, trẻ con ăn khoảng 200g thì sẽ tính ra một gia đình 4 người lớn, 2 trẻ con sẽ cần khoảng 1,6kg vịt nguyên liệu là hợp lý. Từ đây, nếu chọn vịt to ngon, dày mình bạn chỉ cần mua nửa con là đủ. Còn nếu không có vịt to thì bạn mua nguyên một con khoảng 1,5kg – 1,6kg là hợp lý.

Để chọn vịt hấp bia nguyên liệu ngon, bạn nên chọn những con vịt theo tiêu chuẩn như sau:

  • Đầu tiên, vịt phải còn sống, tươi ngon như vậy sẽ đảm bảo hơn vịt đông lạnh.
  • Không chọn vịt non hay vịt quá già bởi vì vịt non thì thịt nhanh nhão và hôi lại mất rất nhiều thời gian để làm sạch lông măng. Còn vịt già thì thịt dai, khó ăn. Muốn biết vịt già hay non bạn có thể nhìn mỏ. Những con vịt già mỏ nhỏ và có màu vàng đậm còn những con vịt non thường có mỏ to và mềm. Tốt hơn hết bạn nên chọn vịt đực trưởng thành đã mọc đủ lông và có những đặc điểm như: Ức tròn, sờ tay vào vùng cổ và bụng thấy dày mình chứng tỏ nhiều thịt, xách lên thấy nặng tay, phần bụng không bị xệ (nếu bụng xệ chứng tỏ là vịt cái, đã qua sinh đẻ nhiều lần nên ăn dai và không thơm như vịt đực). Ngoài nhìn bụng, bạn cũng có thể phân biệt vịt đực và cái thông qua hình dáng và giọng kêu của chúng. Theo đó, vịt cái thường có đầu nhỏ, mông to, giọng kêu trong và rõ, mắt màu nâu sẫm, khi ấn vào bộ phận sinh dục sẽ không có ống nhỏ thò ra. Còn vịt đực sẽ có đầu to, mông nhỏ, giọng kêu đục và khàn, mắt tròn có màu nâu nhạt, khi ấn vào bộ phận sinh dục sẽ có một ống nhỏ thò ra.
  • Nếu mua vịt thịt sẵn, ngoài việc xem xét cân nặng bạn cũng nên quan sát phần da có trắng hồng, nhiều thịt, không hôi, đầy đủ bộ phận, khi lật cánh hoặc đùi trong không có nốt đỏ, nốt đen gì thì được. Nếu có nốt đỏ hay đen thì cẩn thận có thể dính phải vịt tiêm thuốc hoặc bơm nước thì nên bỏ qua.

2. Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm món vịt hấp bia

Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm món vịt hấp bia
Các nguyên liệu cơ bản để làm món vịt hấp bia ngon (Ảnh: Anhtp).

Ngoài nguyên liệu chính là vịt thì bạn cũng cần chuẩn bị thêm một số nguyên liệu khác như:

  • Bia: 1-2 lon. Cứ nửa con hấp với 1 lon 330ml.
  • Sả: 3 – 6 cây. Cứ nửa con hấp cùng 3 cây sả và vừa.
  • Gừng: 1 nhánh
  • Lá chanh hoặc lá mắc mật: Cả 2 loại lá này đều có tác dụng làm thơm, cho mùi thịt dễ chịu và tăng độ hấp dẫn khi thưởng thức món vịt hấp bia. Nên tùy thuộc bạn chuẩn bị được loại lá nào thì dùng lá đó để hấp cùng. Chỉ cần một dúm vừa đủ là được không cần nhiều.
  • Ớt: 2-3 quả tùy độ cay. Để giảm cay hoặc trong trường hợp không có ớt tươi, bạn có thể thay thế bằng tương ớt hay sa tế đều được.
  • Gia vị cơ bản: muối bột canh, bột ngọt, tiêu,…

3. Cách sơ chế các nguyên liệu vịt hấp bia

  • Với vịt chưa thịt: Bạn cần cắt tiết, làm lông sạch sẽ.
  • Với vịt thịt sẵn: Bạn mang về rửa sạch và khử mùi hôi.

3.1. Cách làm sạch lông vịt nhanh chóng

Nếu chả may lấy phải vịt non có nhiều lông măng hay vịt già thì bạn có thể làm sạch lông nhanh bằng cách đơn giản sau:

  • Với vịt non bạn vảy một chút dấm lên phần lông của vịt vừa cắt tiết khoảng 5 – 7 phút rồi dội nước sôi và làm lông như thường. Lúc đó, thịt mềm hơn, lông cũng dễ vặt hơn với lông măng chỉ cần miết tay khi vặt lông là sạch sẽ.
  • Với vịt già trước khi cắt tiết 3 tiếng đồng hồ bạn có thể cho nó uống vài thìa giấm. Thì khi cắt tiết, làm lông, lông tơ sẽ không mọc thêm và cũng dễ làm lông sạch sẽ hơn.

3.2. Cách khử mùi hôi của vịt trước khi hấp

Để khử mùi hôi của vịt nguyên liệu trước khi hấp, bạn có thể dùng muối, giấm hoặc một chút rượu trắng để sát sạch sẽ toàn thân vịt đặc biệt là các bộ phận phát ra mùi như miệng, bụng, phao câu,… rồi rửa sạch lại với nước.

3.3. Sơ chế các nguyên liệu khác

  • Với sả, bạn bóc bớt vỏ ngoài, đập dập đầu và băm nhỏ phần củ. Phần cuộng để lại để hấp cùng vịt và bia.
  • Gừng cạo sạch, băm nhỏ để ướp cùng với vịt
  • Ớt, lá chanh hoặc lá mắc mật rửa sạch, thái nhỏ.
Cách sơ chế các nguyên liệu vịt hấp bia
Chi tiết các bước sơ chế nguyên liệu vịt hấp bia (Ảnh: Anhtp).

4. Cách làm vịt hấp bia chi tiết

4.1. Ướp vịt

  • Trộn đều sả và gừng đã băm nhỏ với nhau cùng 2 muỗng bột ngọt, 1 muỗng bột canh.
  • Khía vịt thành từng thớ để khi cho gia vị vào ướp sẽ thấm đều vào vịt hơn.
  • Phết gia vị, sả, gừng vừa trộn lên trên da và từng thớ vịt vừa khứa.
  • Để ướp vịt trong thời gian 10 phút cho gia vị ngấm.

4.2. Hấp vịt

  • Bỏ nồi ra, cho vào nồi 1 lon bia 330ml, xếp cuống sả vừa chừa lại vào bia để có mùi thơm hấp dẫn hơn.
  • Đặt xửng hấp và cho vịt đã ướp lên xửng.
  • Cho thêm 2-3 quả ớt tươi và lá chanh hoặc lá mắc mật vào hấp cùng.
  • Bật bếp hấp ở mức lửa vừa trong khoảng 40 – 45 phút để vịt chín hẳn.
  • Sau khoảng 20 phút hấp, bạn mở nắp kiểm tra thử một lần xem vịt còn đỏ không. Có thể nhìn vết khứa hoặc dùng một chiếc tăm xiên để chọc xem có nước đỏ ứa ra không. Bạn có thể tiến hành lật vịt để vịt hấp được chín đều 2 mặt. Sau khi lật, bạn tiếp tục đậy chặt vung và hấp thêm trong 20 phút nữa với mặt còn lại.
  • Kiểm tra phần bia bên dưới nếu bia đã cạn, bạn có thể bổ sung thêm 1 hoặc 1/2 lon bia nữa để đảm bảo không bị cháy đáy nồi.
Cách làm vịt hấp bia chi tiết
Các bước làm vịt hấp bia chi tiết (Ảnh: Anhtp).

5. Trình bày và thưởng thức món vịt hấp bia

Khi món vịt hấp bia đã chín, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm rất hấp dẫn hòa quyện giữa mùi bia, sả và lá chanh. Cách trình bày khá đơn giản, bạn có thể cho một ít rau thơm bên dưới rồi chặt vịt thành từng miếng nhỏ vừa miệng ăn rồi xếp bên trên. Bạn có thể tỉa thêm 1-2 bông hoa cà rốt hoặc dưa chuột đặt bên trên là đẹp mắt. Sau khi trình bày xong, bạn có thể cùng cả gia đình thưởng thức ngon miệng!

Chúc bạn thành công!

Tin tức về Thực phẩm - Đồ uống

Bia Corona Tết 2025: Biểu tượng toàn cầu của hương vị Mexico

Bia Corona Tết 2025: Biểu tượng toàn cầu của hương vị Mexico

Bia Corona Extra không chỉ là một loại bia mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa toàn cầu, gắn liền với hình ảnh những bãi biển tuyệt đẹp và sự thư giãn không giới hạn. Được sản xuất tại Mexico, Corona Extra là dòng bia Lager nhẹ nhàng, sảng khoái và đặc biệt phổ biến trên khắp thế giới.
Bia Royal Dutch: Tinh hoa bia Hà Lan cho mùa Tết 2025

Bia Royal Dutch: Tinh hoa bia Hà Lan cho mùa Tết 2025

Bia Royal Dutch với hương vị bia đẳng cấp tinh hoa thế giới hứa hẹn sẽ mang lại cho các gia đình những bữa tiệc ấm áp, đầy hứng khởi và niềm vui chào đón năm mới nhiều tài lộc và may mắn.