Chè kho và ý nghĩa trong dịp Tết
Với người miền Bắc, dịp Tết Nguyên Đán ngoài bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành thì món chè kho là một nét văn hóa không thể thiếu với mọi gia đình. Món này thường được chính tay các bà các mẹ nấu với 2 màu sắc đặc trưng là đen và vàng, vị ngọt không bị khé cổ, ăn không bị ngấy ngán nên để lại nhiều ấn tượng cho con trẻ trong ngày Tết. Với những gia đình nhiều thế hệ, đông con, đông cháu thì dịp Tết chỉ có tụ họp nội ngoại mới được thưởng thức món chè kho thơm ngon do bà nội / bà ngoại tự tay chuẩn bị.
Không chỉ là một trong những món quan trọng đặt lên bàn thờ để cúng gia tiên ngày Tết mà chè kho còn là món bánh ăn nhâm nhi cùng tách trà sen ấm nóng, khói bốc nghi ngút trong lúc tiếp khách tới chơi nhà.
Chè kho ngày Tết có mấy loại?
Tuy có nhiều cách nấu chè kho nhưng tựu chung thì có 2 loại chè kho ngày Tết phổ biến nhất là:
1. Chè kho đậu xanh
Đây là loại chè kho được nấu từ nguyên liệu chính là đậu xanh kết hợp thêm nhiều nguyên liệu đi kèm khác như đường, tiêu, vừng, lá dứa, lạc, nước cốt dừa,… Nhiều nơi nấu chè kho đậu xanh với mật, đường mía thay đường thông thường thì thay vì chè có màu vàng sánh mịn sẽ có thêm màu nâu cánh gián và vị ngọt khác nhau tương đối. Món này thường được thắp hương, sau đó ăn kèm với xôi hoặc uống trà sẽ tròn vị thơm ngon.
2. Chè kho gạo nếp
Đây là món chè được nấu từ nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp và hương vị cũng thơm ngon không kém chè kho đậu xanh. Ngoài ra vì được làm từ gạo nếp nên nếu không để thắp hương thì món này thường được nấu tận dụng từ xôi thừa sau tết nên khá tiết kiệm và không lãng phí nguyên liệu.
Không khác biệt nhau nhiều về hình thức, cách nấu, ý nghĩa mà chỉ khác nhau về màu sắc, hương vị do đó, với những ai thích ăn thiên ngọt hơn thì hẳn món chè kho đậu xanh sẽ rất thích hợp. Còn với ai thích vị ngọt dịu, cay cay chút gừng, hậu vị ấm giàu cảm xúc, dư vị sau ăn thì nên chọn món chè kho gạo nếp để làm.
Hướng dẫn nấu chè kho ngon chuẩn vị Tết xưa từ gạo nếp
Nếu bạn đang trữ nhiều gạo nếp thay vì đậu xanh thì chè kho gạo nếp sẽ là lựa chọn hàng đầu trong dịp Tết năm nay. Nếu bạn chưa biết nấu chè kho từ gạo nếp thế nào cho ngon chuẩn vị Tết xưa thì hướng dẫn chi tiết sau từ Websosanh.vn sẽ giúp ích được cho bạn. Nào cùng xem ngay:
1. Nguyên liệu nấu chè kho gạo nếp cần chuẩn bị
Để nấu chè kho gạo nếp bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Gạo nếp ngon: 600g
- Đường đỏ: 300g
- Gừng: 1 củ
- Dầu mè: 10ml
- Muối ăn: 1/3 muỗng cà phê
- Khuôn xôi hoặc khuôn làm bánh trung thu
2. Sơ chế nguyên liệu trước khi nấu
- Gạo nếp ngon được lựa chọn để nấu chè kho là gạo nếp mới, hạt to đều và mẩy. Cần loại bỏ các hạt gạo nếp có đầu đen, sắp hỏng, với người miền bắc thì gạo nếp cái hoa vàng nấu chè kho là ngon nhất. Sau khi có gạo nếp ngon rồi bạn tiến hành vo qua 1 nước rồi bỏ ngâm trong nước lạnh từ 6 – 8 tiếng cho gạo nở, sau đó vo lại lần nữa, vẩy khô, để ráo, rắc thêm chút muối, xóc kỹ cho đậm vị.
- Đường không nhất thiết là đường đỏ, bạn có thể thay thế bằng đường mía, mật, đường kính, đường tinh luyện,… đều được. Tuy nhiên sử dụng mỗi loại đường khác nhau thì sẽ có độ ngọt, độ thanh mát, khác nhau. Để ngon bạn phải thử.
- Gừng được chọn là gừng tươi, củ già vừa đủ không già quá cũng không non quá vì non quá thì không dậy mùi mà già quá thì ăn dắt răng và chè hay bị xơ không mịn, không đẹp mắt. Bạn rửa sạch gừng rồi gọt bỏ vỏ sau đó thái sợi hoặc sắt miếng.
3. Cách nấu chè kho gạo nếp ngon
Để nấu chè kho gạo nếp ngon chuẩn vị Tết xưa bạn làm theo các bước như sau:
- Bước 1: Đồ xôi như bạn vẫn làm rồi dùng đũa xỉa đều, dưới dầu mè lên trộn đều thật kỹ rồi tiến hành làm các bước tiếp theo.
- Bước 2: Cho 300 – 350ml nước lọc cùng 300g đường đỏ vào nồi đặt lên bếp đun lửa nhỏ để không bị cháy, vừa đun vừa khuấy đều, khi sôi lăn tăn và thấy đường đã tan hết thì bỏ 1/2 lượng gừng đã thái vào đun cùng.
- Bước 3: Xới xôi đã trộn dầu mè vào nước đường gừng vừa quấy, dùng đũa đảo đều để nhuộm màu cho xôi trắng và ngấm đường. Sau khi xôi đã đổi màu thì bạn cho nốt 1/2 lượng gừng còn lại vào và tắt bếp.
- Bước 4: Xới chè ra khuôn rồi đổ ra đĩa để tạo hình đẹp mắt và rắc lên bề mặt đĩa chè một chút lạc, vừng để tạo độ thơm và bùi cho món chè kho.
Hi vọng với hướng dẫn chi tiết trên từ Websosanh.vn bạn sẽ tự tay nấu được những đĩa chè kho gạo nếp thơm ngon, mềm mịn và thơm nồng vị gừng chân chất chẳng thể nào quên trong dịp Tết năm nay.