Không phải bất cứ ai sau khi sử dụng xong laptop cũng tắt nó đi. Nhiều người dùng thích sử dụng tính năng Ngủ đông (Hibernate) để lưu lại các tác vụ đang thực hiện dở trước khi tắt máy, hoặc chỉ đơn giản là úp màn hình máy xuống để đưa máy vào trạng thái Nghỉ (Sleep) giúp tiêu tốn ít điện năng hơn, đồng thời cũng ngay lập tức quay trở lại màn hình làm việc khi bạn sẵn sàng. Vậy ưu nhược điểm của hai hình thức này là gì?
Trên thực tế, hai hình thức Sleep và Hibernate không có nhiều điểm khác nhau. Về cơ bản chúng chỉ là các tính năng giúp bạn tạm dừng công việc, và hiển thị trở lại khi cần. Mặc dù chế độ Hibernate sẽ tốt hơn trong một vài trường hợp (ví dụ khi bạn cần khởi động lại để áp dụng tính năng cài đặt, nhưng vẫn muốn lưu lại tác vụ làm việc), thế nhưng chế độ Sleep nhìn chung luôn mang đến nhiều thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng thông thường.
Tuy nhiên, nhiều người dùng vẫn tỏ ra e ngại trước chế độ chờ của Sleep, và cho rằng máy tính ở trạng thái Sleep vẫn sẽ tiêu tốn nhiều điện năng không mong muốn. Trên thực tế, đa số máy tính để bàn, cũng như laptop hiện đại đều đạt chứng chỉ Energy Star về khả năng tiêu thụ điện. Trong đó có đề cập đến khả năng đưa thiết bị xuống mức điện năng tiêu thụ thấp nhất, bao gồm cả trạng thái Idle và Sleep.
Có thể lấy thí dụ như chiếc Dell Inspiron 15 với bộ xử lý core i3 và tiêu tốn trung bình 6.9 W ở trạng thái thông thường. Tuy nhiên khi đưa máy vào chế độ Sleep, lượng điện tiêu thụ sẽ giảm xuống rất thấp, chỉ còn 0,5 W. Khi so sánh với lượng điện lúc tắt máy nhưng vẫn cắm sạc, con số này tỏ ra chẳng chênh lệch là bao (0,5 W so với 0,2 W).
Do đó, nếu như người dùng đưa máy vào chế độ Hibernate, họ sẽ cùng lắm chỉ tiết kiệm được 0,3 W. Tuy nhiên nếu tính đến khoảng thời gian cần thiết để khởi động máy khi chạy chế độ này, so với gần như không có khoảng trễ với chế độ Sleep, chúng ta chắc chắn sẽ biết được câu trả lời về việc tính năng nào hoạt động hiệu quả hơn.
Nguyễn Nguyễn
Theo MakeUsOf