Trong một dàn âm thanh, ngoài loa ra thì amply cũng là một bộ phận không thể thiếu, góp phần khiến âm thanh đầu ra trở nên hoàn hảo, mượt mà hơn. Nếu có điều kiện sắm sửa một dàn âm thanh theo bộ thì việc lựa chọn amply là không cần thiết. Tuy nhiên nếu bạn mua sắm từng bộ phận một rồi cấu thành dàn âm thanh theo ý mình thì nên tham khảo những mẹo chọn amply dưới đây để tìm được thiết bị phù hợp nhất.
Hình thức amply
Hình thức bên ngoài của amply tương đối dễ kiểm tra. Bạn không nên chọn amply nào có vẻ ngoài quát ‘nát’, tuy không ảnh hưởng gì đến âm thanh nhưng về mặt thẩm mỹ là không được. Khi mua bạn thử kiểm tra xem các nút vặn có đều tay, chặt chẽ hay không, đầu giắc RCA tín hiệu mòn nhiều hay chưa. Lật mặt đáy amply lên xem tấm tôn có còn bóng sáng không hay đã chuyển sang ố màu rồi. Nếu thấy màu sắc của nó ‘lem nhem’ thì chắc chắn chiếc amply đó đã bị tháo lắp nhiều lần.
Mở bên trong ra, đối với các dòng amply công suất lớn, chất lượng cao, thuộc dạng ‘xịn xò’ thường bao giờ cũng chắc và nặng, có bộ biến thế nguồn lớn, tụ lọc nguồn có điện dung cao, chữ in màu nhũ vàng trên thân tụ. Các mạch in cần phải sáng bóng, không bị ố rỉ hoặc xỉn màu. Các linh kiện khác như tụ trở, con sò phải còn nguyên bản.
Công suất của amply
Công suất cần thiết của amply phụ thuộc đáng kể vào độ nhạy và trở kháng của loa, kích thước phòng nghe, đặc tính âm học của phòng và âm lượng sử dụng. Độ nhạy của loa là một trong những nhân tố quan trọng nhất khi lựa chọn công suất đầu ra tương ứng, nó xác định mức SPL (sound-pressure level) mà bộ loa sẽ tạo ra khi được cấp nguồn điện đầu vào nhất định.
Vậy, yêu cầu đặt ra ở đây là amply sẽ phải có mức công suất thể hiện được sức căng, độ chính xác, tốc độ và chiều sâu khi âm lượng tăng lên. Khi tiếng bass trở nên chậm chạp, ướt át cũng là lúc bạn đẩy amply lên điểm hoạt động giới hạn của nó. Nghe một lúc, bạn sẽ cảm nhận được khi nào amply bắt đầu xuất hiện vấn đề. Trong những điểm cao trào của âm thanh, liệu amply có bị lúng túng quá không, hay nó vẫn trình diễn một cách bình tĩnh.
Bạn hãy thử so sánh âm thanh của amply ở mức âm lượng cao và thấp. Nghe tiếng các nhạc cụ hơi của bộ đồng (đặc biệt tiếng kèm trumpet) xem có bị chói chang khi volume lên cao hay không, sân khấu âm thanh có bị rối lúc nhạc lên cao trào hay không…
Một chiếc amply tốt khi hoạt động gần hết công suất vẫn phải giữ được những cảm giác về không gian, chiều sâu, tâm điểm âm thanh. Trong khi đó vẫn thể hiện được một cách hài hòa, êm ái không khí chung của dàn nhạc. Hơn nữa, công suất đủ còn giúp amply làm việc một cách dễ dàng, âm nhạc sẽ trở nên thú vị, hấp dẫn hơn.
Chất lượng của amply
Được thể hiện ở độ vang và âm sắc. Một mẹo chọn amply khác là bạn hãy test nó với micro nếu muốn ghép với dàn karaoke. Hãy thử tăng giảm volume, echo và repeat có hoạt động tốt không, độ nhạy ra sao, âm bass đã đủ lực chưa, lên cao xuống thấp có bị vỡ tiếng hay không.
Với amply để nghe nhạc và xem phim thì bạn chỉ cần chú tâm đến độ nhạy và trở kháng của loa là đủ. Loa có nhạy càng cao thì amply chỉ cần công suất nhỏ cũng có thể đáp ứng được, như thế thì amply sẽ hoạt động ít đi, bền bỉ hơn.
Trên đây là mẹo chọn mua amply cho dàn âm thanh gia đình bạn có thể tham khảo. Chúc bạn sớm tìm được một thiết bị amply như mong muốn!