Các nhà phát hành thẻ tín dụng đều không tính lãi suất với các khoản chi tiêu của bạn trong tối đa 45 hoặc 60 ngày, tùy thuộc vào từng ngân hàng. Nếu sau thời gian trên mà bạn vẫn chưa thanh toán khoản nợ thì ngân hàng sẽ tính lãi suất khá cao. Vì vậy, một nguyên tắc nằm lòng bạn cần nhớ là chỉ nên “quẹt” thẻ cho các khoản chi tiêu mà mình chắc chắn sẽ thanh toán hết ngay trong tháng, hoặc chậm nhất là sau 45 ngày. Dưới đây là những trường hợp nên và không nên dùng thẻ tín dụng để thanh toán:
Những trường hợp nên dùng thẻ tín dụng:
-Dùng thẻ tín dụng khi đi nước ngoài: Thông thường một người khi đi nước ngoài công tác, học tập, làm việc, khám chữa bệnh…đều phải tìm cách mua ngoại tệ của nước sắp đến hoặc đổi sang USD để sử dụng. Tuy nhiên, quy định hiện hành cấm đổi ngoại tệ ngoài thị trường tự do. Vào ngân hàng mua thì mất nhiều thủ tục mà chỉ được mua theo hạn mức nhất định. Mặt khác, mang tiền mặt theo người cũng thiếu an toàn. Do đó, dùng thẻ thanh toán quốc tế trong trường hợp này được coi như một giải pháp tốt cho người có nhu cầu ngoại tệ mỗi khi xuất ngoại.
– Dùng thẻ tín dụng để thanh toán tiền điện, nước, internet: Công việc bận rộn, nhiều khi bạn không có thời gian đến các điểm thu cước internet, điện nước…để đóng tiền, nhiều khi bị cắt dịch vụ là điều khó tránh. Nhưng với thẻ tín dụng, bạn hoàn toàn có thể ngồi nhà chỉ với chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet là đã có thể thanh toán những hóa đơn điện, nước,…hàng tháng mà không phải cất công đi.
Ngoài thẻ tín dụng thì hiện nay một số ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua thẻ ghi nợ nội địa, thanh toán tự động qua tài khoản, vì vậy bạn cũng có thể coi đây như một lựa chọn thay thế.
– Dùng thẻ tín dụng để mua sắm, làm đẹp: Với xu hướng mua sắm tiêu dùng qua thẻ ngày càng phổ biến, vì vậy việc thanh toán bằng thẻ sẽ thường xuyên được các công ty, nhãn hàng giảm giá, nên người dùng thẻ tín dụng dễ dàng mua được món hàng với giá thấp. Việc này cũng giúp bạn không cần phải đem theo nhiều tiền mặt bên mình sẽ giảm được rủi ro do nạn cướp giật, trộm cắp, lại có thể được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
– Dùng thẻ tín dụng để mua hàng qua mạng: Xu hướng mua hàng qua mạng đang ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam. Hiện nay không chỉ các hãng hàng không mà có rất nhiều doanh nghiệp áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến này, vì vậy nếu bạn sở hữu chiếc thẻ này việc mua sắm của bạn cũng sẽ tiện lợi hơn.
Những trường hợp không nên dùng thẻ tín dụng:
Bạn không nên sử dụng thẻ tín dụng vào những trường hợp sau, nếu không muốn lâm vào cảnh “con nợ tín dụng”
– Thanh toán hóa đơn y tế: Bạn không nên dùng thẻ tín dụng để thanh toán các hóa đơn y tế, bởi những hóa đơn bệnh viện, chi phí y tế rất tốn kém, trong một số trường hợp nó có thể “ngốn” vài tháng lương của bạn. Vì vậy, để không trở thành những “con nợ” với lãi suất cao, bạn cần tránh dùng thẻ tín dụng cho các nhu cầu này.
– Đóng học phí: Bạn không nên sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, đóng học phí cho con cái bởi đây cũng là một trong những khoản chi tốn kém tiền bạc. Để tránh xa nguy cơ rơi vào bẫy lãi suất của các ngân hàng, bạn nên chủ động trả học phí cho con cái hay của chính bản thân mình bằng tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ nội địa thông thường thay vì sử dụng thẻ tín dụng.
– Chi tiêu cho đám cưới xa hoa: Thông thường các đôi bạn trẻ chi khá nhiều để trang trải cho một đám cưới và nhiều người thậm chí còn sẵn sàng tiêu “quá tay” miễn sao có một lễ vu quy hoành tráng như trong mơ. Thông thường, chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ khiến bạn khó kiểm soát ngân sách hơn là dùng thẻ ghi nợ nội địa hoặc tiền mặt. Do đó bạn nên cất chiếc thẻ tín dụng sang một bên khi chuẩn bị cho đám cưới. Đừng biến những ngày đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của mình phải chìm đắm trong cảnh nợ nần.
Trên đây là những trường hợp mà bạn nên và không nên dùng thẻ tín dụng để bạn cân nhắc, tham khảo trước khi chi tiêu bằng loại thẻ tiện dụng này. Hi vọng với những thông tin trên có thể giúp bạn tránh được việc trở thành “con nợ” của thẻ tín dụng.